Làm chủ nghệ thuật nuôi cichlid – Chữa bệnh cho cá

Các cụ nhà ta đã đúc kết chí lí như thế này: Bắt đúng bệnh không bằng bốc đúng thuốc. Uống đúng thuốc không bằng chữa đúng cách. Cá không giống với chó mèo chim chuột. Chúng rất tinh tế. Trong quá trình điều trị, những chuyển biến khó nhận thấy ngay lập tức nên bạn cũng không thể chắc được liệu thuốc có tốt không và chúng có khá lên không. Hơn nữa, việc múc cá ra chữa bệnh rồi thả trở lại bể luôn luôn gây sốc, không ít thì nhiều, cho bệnh nhân của chúng ta. Vậy phải làm thế nào khi nhìn cá mắc bệnh mà chúng ta không biết là bệnh gì, không biết chữa như thế nào? Trong bài viết này Fish Art sẽ giới thiệu với các bạn những bước cơ bản bắt buộc phải áp dụng tuần tự khi cá có dấu hiệu bất thường. Việc áp dụng tuần tự từng bước một không chỉ giúp bạn loại bỏ những triệu chứng không liên quan, mà còn giúp xác định nguyên nhân thực sự gây ra bệnh.

Điều đầu tiên cần làm khi chẩn đoán một con cá là quan sát nó thật kĩ. Quan sát xem cơ thể của nó có những dấu hiệu gì khác thường hay hành vi của nó có gì bất thường. Tiếp theo, loại bỏ những nguyên nhân có thể gây ra những bất thường đó. Những nguyên nhân phổ biến nhất là chất lượng nước kém, cá bị căng thẳng và dịch bệnh.

Đối với nghi ngờ về chất lượng nước kém, hãy kiểm tra nồng độ amoniac, nitrat, nitrit, pH và oxy. Nếu các yếu tố này nằm trong phạm vi tối ưu, tiếp theo hãy kiểm tra bộ phụ kiện lọc, sưởi… có vận hành êm ái không. Nếu chất lượng nước có vấn đề, ngay lập tức thay nước thường xuyên hơn và mỗi lần thay khối lượng ít hơn.

Nếu cá bị căng thẳng quá mức, hãy loại trừ nguyên nhân bể quá tải dễ phát sinh mầm mống bệnh tật cũng như việc bị con khác tấn công liên tục.

Đối với dịch bệnh thực sự, ngay lập tức di chuyển cá bị bệnh sang bể điều trị. Phải đảm bảo rằng bạn luôn có một bể trống với chất lượng nước ổn định làm bệnh viện cho cá của bạn khi cần. Nếu bạn không chắc chắn về thuốc cũng như cách điều trị đang áp dụng, hãy bắt cá ra một cái ca nhỏ để quan sát kĩ những dấu hiệu thay đổi tối đa một lần một ngày. Cá bệnh phải được cách ly như vậy tối thiểu 10 ngày ngay cả khi có dấu hiệu cải thiện. Khoảng thời gian này là đủ để loại bỏ tất cả dấu vết nhiễm trùng có thể lây lan sang cá khỏe.

Hai phương pháp điều trị hiệu quả đối với cá bệnh là ngâm thuốc và tác động nhiệt

–  Ngâm thuốc

Cho cá ngâm thuốc là một cách tốt để điều trị một số rối loạn. Cá được cho vào một xô nước chứa chất điều trị (muối hoặc thuốc). Thời gian ngâm và nồng độ chất điều trị phụ thuộc vào từng căn bệnh.

– Tác động nhiệt
Liệu pháp nhiệt được sử dụng phổ biến để tiêu diệt ký sinh trùng nhất định bằng cách tăng nhiệt độ . Nhiệt độ của nước được tăng lên dần dần không quá 1 độ C mỗi giờ cho đến khi bạn đạt đến phạm vi mong muốn. Tác động nhiệt phải hết sức cẩn thận khi áp dụng bởi vì cá rất nhạy cảm với nhiệt độ nước, hơn nữa tăng nhiệt độ nước sẽ làm cạn kiệt ô xy trong bể.

Một số bệnh thường gặp:

– Đốm trắng: Đốm trắng được coi là bệnh phổ biến nhất. Triệu chứng rõ rệt là cá liên tục chà xát cơ thể vào các bề mặt cứng trong bể như đá hay thành bể, như thể bị ngứa ngáy khó chịu. Bệnh này là do kí sinh trùng kí sinh dưới bề mặt da của con cá, làm xuất hiện những nốt trắng nhỏ li ti trên mình cá. Những nốt trắng này chính là các u nang của kí sinh trùng, khi trưởng thành sẽ phát tán vào nước hàng ngàn kí sinh trùng khác lây lan sang cả bể. Một đợt bùng phát đốm trắng rất khó để kiểm soát nếu không được nhận biết trong giai đoạn đầu.

Phương pháp điều trị là phối hợp ngâm muối và tăng nhiệt.

Ngâm muối với tỉ lệ 5-8 thìa cà phê cho mỗi 4L nước. Tăng nhiệt độ nước để rút ngắn chu trình sinh trưởng của ký sinh trùng, tăng dần đến khi đạt 29 độ rồi giảm dần khi bệnh tiến triển tốt. Nếu bệnh đã lây lan ra cả bể thì có thể dùng xanh mê ty len để diệt kí sinh trùng. Nên điều trị 3 đợt, mỗi đợt kéo dài 3 ngày, mỗi đợt điều trị thay 30-50% nước bể.

– Chướng bụng: Một bệnh tương đối phổ biến với triệu chứng là bụng cá sình ra, rỗng và sưng to, vẩy cá xù lên như quả thông. Ngoài ra trông cá lờ đờ mệt mỏi, bỏ ăn, ăn ít. Nguyên nhân là nước hoặc thực phẩm bị nhiễm khuẩn hoặc virus. Điều may là bệnh này không lây lan nhưng không may là hiện vẫn không có giải pháp chữa trị hữu hiệu. Hãy thực hiện biện pháp nhân đạo với con cá, đồng thời kiểm tra và loại bỏ triệt để các nguyên nhân từ nước và thức ăn để phòng tránh cho cả bể.

– Thối vây: Như tên cho thấy, thối vây đầu tiên làm cho viền vây bị đổi màu, chuyển thành nâu hoặc trắng, thậm chí vằn tia máu. Sau đó vây sẽ bị vi khuẩn ăn cụt lên đến tận gốc vây, lúc đó chắc chắn cá sẽ bị chết. Loại vi khuẩn này chỉ tác động lên cá bị căng thẳng do bị tấn công liên tục hoặc do bị tấn công dẫn đến rách vây. Điều trị ngâm muối có thể chữa khỏi hẳn nếu phát hiện sớm.

(Đang viết)